A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bồi dưỡng GV thế nào cho hiệu quả?

GD&TĐ - Trước yêu cầu đổi mới giáo dục và triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, việc bồi dưỡng giáo viên là rất cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm sao để việc bồi dưỡng trở thành nhu cầu tự thân của mỗi GV, cần bồi dưỡng những kiến thức nào để thiết thực, hiệu quả, tổ chức các lớp học tại thời gian nào, địa điểm nào cho phù hợp.

Bồi dưỡng giáo viên là công tác thường xuyên tại các cơ sở GD.

Nghỉ hè là thời gian thích hợp nhất

Theo khảo sát của nhóm nghiên cứu Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, thời điểm GV có nhu cầu được bồi dưỡng cao nhất là vào kì nghỉ hè. Còn nếu việc bồi dưỡng được tổ chức vào các thời điểm khác trong năm học, GV thường rất khó tham gia vì còn bận lên lớp và các kế hoạch khác của cá nhân.

Một giáo viên THPT ở Hà Nội chia sẻ: Nếu các khóa bồi dưỡng ngắn hạn cho GV được tổ chức vào kì nghỉ hè, chúng tôi có thể bố trí các công việc cá nhân để tham gia. Nếu không bận các tiết dạy thì việc tham gia sẽ dễ hơn rất nhiều.

Thời điểm “cuối học kì I, đầu học kì II” được ít GV lựa chọn nhất. Bởi lẽ đây là thời điểm GV bận rộn nhất trong năm học. Thời điểm này họ bận tổ chức ôn tập, chuẩn bị đề thi, chấm thi, giáo án cho kì mới nên sẽ rất khó sắp xếp thời gian để tham gia bồi dưỡng.

Về thời gian bồi dưỡng, các GV chủ yếu lựa chọn phương án “tùy theo từng nội dung”. Bởi lẽ mỗi nội dung khác nhau cần thời gian bồi dưỡng phù hợp. Nội dung nào phức tạp cần đầu tư nhiều thời gian hơn. Nên căn cứ vào nội dung cụ thể mới lên được kế hoạch về thời gian bồi dưỡng bao nhiêu cho hợp lí. Bên cạnh đó, phương án ít được GV lựa chọn nhất là “từ 3 đến 5 ngày”.

Một GV khi được phỏng vấn cho biết: Trong năm học, nếu thời gian bồi dưỡng kéo dài từ 3 ngày trở lên sẽ gây trở ngại cho GV, bởi ảnh hưởng đến lịch công tác. Nếu muốn tổ chức thì phải có thông báo từ rất sớm mới sắp xếp được. Do đó, căn cứ lựa chọn thời gian bồi dưỡng của GV phụ thuộc vào nội dung và việc bố trí, sắp xếp công việc cá nhân khác của họ.

Theo ý kiến của GV, địa điểm bồi dưỡng phù hợp nhất là tại các trường nơi họ đang giảng dạy. Bởi lẽ với GV, việc bồi dưỡng tại chính nơi họ đang dạy sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để tham gia. Theo chia sẻ của đa số GV, nếu bồi dưỡng tại các trường, GV sẽ đi lại thuận tiện hơn, dễ dàng hơn, có thể tranh thủ thu xếp công việc cá nhân, bố trí thời gian tham gia bồi dưỡng.

Bên cạnh đó, địa điểm “trường ĐHSP” được ít GV lựa chọn hơn. Nhiều thầy cô cho rằng, thực trạng trên là do GV đến từ ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước nên việc tổ chức bồi dưỡng tại địa điểm này sẽ gây khó khăn trong việc đi lại và sinh hoạt trong suốt thời gian diễn ra các khóa bồi dưỡng.

GV cần bồi dưỡng gì?

Trong những năm qua, chương trình bồi dưỡng đã giúp GV cập nhật kiến thức và các phương pháp mới để vận dụng vào thực tế dạy học. Tuy nhiên, việc bồi dưỡng còn phụ thuộc vào kế hoạch của Sở GD&ĐT hoặc Bộ GD&ĐT, chưa xuất phát từ nhu cầu của chính GV.

Do đó, cần phải đổi mới nội dung và hình thức, cách thức để việc bồi dưỡng và nâng cao năng lực nghề nghiệp cho GV trở thành nhu cầu học tập thường xuyên.

GV có nhu cầu cao đối với việc bồi dưỡng do nhận thức rõ được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc này đối với việc nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn. Tuy nhiên cũng có một số ít GV cho rằng không cần thiết bởi họ cảm thấy tự bản thân có thể trau dồi, học hỏi qua nhiều kênh khác nhau.

Tuy nhu cầu ở mỗi nội dung cần bồi dưỡng có sự khác biệt, nhưng mức độ nhu cầu cần được bồi dưỡng của GV ở các nội dung cụ thể là rất cao. Ví dụ như những nhu cầu bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm, các kĩ năng dạy học, giáo dục, quản lí lớp học theo yêu cầu đổi mới giáo dục...

Trong đó, các nội dung GV có nhu cầu cần bồi dưỡng cao nhất là: Thiết kế và tổ chức dạy học phân hóa phù hợp với các đối tượng học sinh; Thiết kế và tổ chức dạy học theo định hướng phát triển năng lực cho HS.

Các kĩ năng về nghiệp vụ sư phạm được GV hết sức chú trọng. GV có nhu cầu bồi dưỡng những kĩ năng này để giúp cho họ thực hiện tốt hoạt động giảng dạy của mình, bởi đây là những kĩ năng GV sử dụng xuyên suốt trong quá trình dạy học trên lớp.

Theo báo Giáo dục và Thời đại


Tổng số điểm của bài viết là: 25 trong 5 đánh giá
Click để đánh giá bài viết