A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người đi “gieo chữ”

Người đi “gieo chữ”

 

          Từ thị trấn Nậm Nhùn (Lai Châu) vào đến xã Nậm Chà, phải vượt qua cung đường đèo dốc gần 60km và đầy nguy hiểm. Ngày nắng là đối diện với chênh vênh vực thẳm đầy mây phủ. Ngày mưa, thêm mối nguy hiểm đất đá dễ dàng sạt lở, mặt đường lầy lội, khó phương tiện giao thông nào có thể vượt qua. Thế nhưng đã có những người không ngần ngại những khó khăn, vất vả đó…

Thầm lặng “thắp” tình yêu

May mắn cho chúng tôi khi bác lái xe là một người khá điềm tĩnh, có kinh nghiệm trong việc di chuyển trên các đoạn hiểm trở của cung đường Tây Bắc, nên mọi người ngồi trên xe cũng thấy bớt phần nào sự hoang mang và lo lắng. Đặc biệt, đồng hành trên quãng đường từ thị trấn Nậm Nhùn vào bản cùng với chúng tôi có chị Lại Thị Tình (Hội Chữ thập đỏ huyện Nậm Nhùn).

Câu chuyện về chính cuộc đời chị về hành trình gắn bó với học trò nghèo vùng cao nơi đây, khiến chúng tôi quên đi mọi lo lắng cho chuyến đi. Những câu chuyện từ chị giúp chúng tôi hiểu thêm, yêu hơn về những người thầy “gieo hạt mầm” chữ nghĩa, họ thầm lặng thắp tình yêu.

 


Cô Tình đã có hành trình “gieo chữ” cho những học trò nghèo vùng cao

 

Vốn có người cậu ở Tây Bắc nên cô nữ sinh mang tên Lại Thị Tình quyết định chọn thi và theo học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc. Tuy nhiên năm 1989, người thân chuyển vùng về Hà Nam sinh sống khiến cô giáo trẻ thấy bơ vơ ngay ở thời điểm ra trường.

Một khóa học có 40 người, đa phần các bạn ra trường đều đến công tác tại những nơi thuận lợi hơn, mỗi một mình đến với các điểm xã khó khăn, khiến chị Lại Thị Tình suy nghĩ nhiều và thấy có phần nản lòng.

Nhưng rồi, nghĩ đến công học tập của mình, công phấn đấu rèn luyện, nghĩ đến bố mẹ vất vả nuôi mình ăn học, nên cô giáo trẻ quê Nam Định lại quyết tâm, tự nhủ không thể bỏ cuộc được. Và, chị chọn những xã vùng cao của huyện Lai Châu làm nơi bắt đầu cho hành trình “gieo hạt” thắp sáng những cuộc đời của những học trò nghèo nơi này.

Cô giáo Lại Thị Tình chia sẻ: “Ngày đó, đường cho phương tiện giao thông đi các huyện chưa có, nên giáo viên phải đi bộ đến cả 100km trên đường mòn heo hút, chân phồng rộp hết lên, đêm đến ngủ ngay dọc đường. Lúc đó, tôi vừa đi vừa khóc, cố theo chân các anh chị cùng đoàn để không bị bỏ lại. Đi đến ngày thứ ba thì mới vào đến huyện. Từ trung tâm huyện vào đến xã còn khá xa, chưa có đường đi nên phải đi xuồng, theo những dòng nước chảy xiết.

Có những đoạn nước chảy mạnh quá, tôi không dám ngồi trên xuồng mà phải men theo bìa rừng mà đi. Mấy chục năm sau khi bố mẹ tôi lên thăm, bố tôi mới đồng cảm mà rằng: Ngày xưa thấy bảo Tình nó đi bộ 100km, làm sao mà bố tin được, bảo con toàn nói quá. Nhưng khi lên đây thì bố tin con thật. Bố tự hào về con!”.

Cô giáo miền xuôi lên tới vùng người Thái, bắt đầu hành trình bằng học tiếng Thái để có thể trò chuyện với người dân địa phương và học sinh. Lớp học được dựng và lợp bằng tranh tre lá nứa, cô giáo ở một phòng, còn hai phòng cho học sinh. Bàn học được ghép từ những mảnh gỗ tự tạo và học sinh ngồi trên những cây tre đập dập (phên) thay ghế.

“Thời điểm đó, học sinh đi học muộn, nhiều bạn học lớp Một mà trông như người lớn. Các bạn nói ngọng rất nhiều. Có những bài hát mà các cô giáo đến công tác trước đó đã dạy, các em hát: ‘Giờ học ta, chúa e cồ cơ sách, cơ sách cho mau đà kết cho mau. Cầm bố mờ khô được kê thứ gì...’. Tôi mắt tròn mắt dẹt không hiểu học sinh đang hát gì. Mất cả nửa ngày suy nghĩ, rồi mới dịch được. Hóa ra các em hát rằng: ‘Giờ học tan, chúng em cùng cất sách, cất sách cho mau, đoàn kết cho mau. Cầm bút mực không được quên thứ gì…’”, cô giáo Tình nhớ lại kỷ niệm những ngày đầu tiên dạy học ở đây.

Đường sá quá khó khăn, kéo theo nhiều thứ khó khăn, không chỉ trong việc đi lại, mà hàng hóa, thực phẩm cũng không có, nếu không làm tốt công tác dân vận thì giáo viên cũng không có cơm để ăn. Từ huyện vào đến xã là hơn 50km, đi xuồng còn không đảm bảo an toàn về người nên việc vác gạo theo là hoàn toàn không thể. Cô giáo Tình phải đến các gia đình xin, mỗi nhà cho một ít gạo.

 

Tết năm ấy là cái Tết xa nhà đầu tiên của cô giáo miền xuôi. Ngồi giữa lớp học trống trải, không gian đồi núi vắng lặng xung quanh, cảm giác tủi thân ùa về. Cũng may mấy hôm sau, bà con trong bản mời qua nhà họ ăn Tết. Cô giáo trẻ 22 tuổi ngồi xuống, chạm với người dân 2-3 chén rượu xong là nhớ nhà, hồn nhiên ngồi khóc như trẻ con.

Tháng 5 nghỉ hè cũng là vào mùa mưa, cô giáo Tình vẫn cuốc bộ ra tận thị xã Mường Lay để bắt xe về quê, chuẩn bị sẵn những thứ nhỏ gọn có thể mang theo mà dân bản cần như: kẹp ba lá, dây buộc tóc... để đổi lấy trứng, gạo. Cả xã chỉ có một quán nhỏ cung cấp hàng hóa sinh hoạt nên mọi thứ đều đắt đỏ. Lương giáo viên lại thấp, nên mỗi dịp hè về cô Tình vẫn phải xin tiền bố mẹ để mang lên trường.

Niềm tự hào người đi “gieo hạt”

Cô Tình cho biết 16 năm gắn bó trong ngành giáo dục, 4 năm thực hiện công tác dạy nghề, 6 năm thực hiện công tác chữ thập đỏ giúp cô gắn bó thực sự với bà con các dân tộc ở Lai Châu, đồng thời cũng thấy mình học được nhiều điều, trưởng thành hơn.

  Trong số các học sinh tiêu biểu của cô giáo Lại Thị Tình, có thể kể đến các tên tuổi như: Lỳ Mỹ Ly - hiện đang làm Trưởng phòng Giáo dục huyện Mường Tè; Phùng Hà Cà - Phó phòng Công thương huyện Mường Tè; Pờ Thúy Von - Trưởng phòng Tư pháp huyện Nậm Nhùn; Lò Văn Vượng - Viện trưởng Viện Kiểm sát Nậm Nhùn.

Những gương mặt sáng ngời tin yêu của học trò vùng cao

“Còn các em làm bí thư Đảng ủy, chủ tịch của các xã hay làm ở các đồn biên phòng thì cũng nhiều. Đa số các em đều đã trưởng thành, chỉ có số ít không theo được thì về quê lấy vợ. Bây giờ gặp lại, em Pờ Sú Cà, hiện đang công tác tại Ban Chỉ huy quân sự huyện Nậm Nhùn vẫn nhắc: ‘Cô ơi, ngày xưa em thích chữ của cô lắm. Em nằm rạp ra bàn em ngắm’.

Sau đó, Pờ Sú Cà kiên trì viết và bắt chước được theo chữ của cô giáo. Tất cả những điều ấy thực sự là rất tự hào. Làm giáo viên dù khó khăn đấy nhưng không nghề nào có thể kể được về niềm tự hào của mình như thế”, cô Tình bày tỏ niềm hạnh phúc.

Con đường dẫn lên xã Nậm Chà hiện nay đã đỡ vất vả hơn rất nhiều so với nhiều năm trước đây, các em học sinh vùng Tây Bắc vẫn được những thầy cô giáo từ dưới xuôi lên, âm thầm với hành trình “gieo chữ” của mình. Ở những nơi đó, ngọn lửa nhiệt tình, sự cống hiến của thầy cô giáo vẫn được tiếp nối… cho tương lai.

Lương Bảo Anh- Báo Giác ngộ

 


Tổng số điểm của bài viết là: 70 trong 14 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan