• :
  • :
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI WEBSITE PHÒNG GIÁO DỤC NẬM NHÙN
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Luật quy định UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa

Luật quy định UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa

Ảnh minh họa/ INT

GD&TĐ - Về việc lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông, Quốc hội đã thảo luận và thống nhất quy định tại điểm c khoản 1 Điều 32 (Sách giáo khoa giáo dục phổ thông) Luật Giáo dục 2019: "Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo".

Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) nhắc lại điều này khi chia sẻ về dự thảo Thông tư lựa chọn sách giáo khoa đang được Bộ GD&ĐT xây dựng và dự kiến ban hành kịp thời gian để các địa phương tổ chức lựa chọn sách giáo khoa đáp ứng yêu cầu năm học mới.

Không quy định mỗi một tỉnh, thành phố chỉ chọn một bộ sách giáo khoa

- Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang xây dựng dự thảo Thông tư lựa chọn sách giáo khoa, trong đó thẩm quyền lựa chọn thuộc về UBND tỉnh, thành phố theo đúng quy định của Luật Giáo dục 2019. Tuy nhiên, vẫn có một số ý kiến bày tỏ sự băn khoăn về việc có thể sẽ có những bộ sách giáo khoa “đồng phục” được lựa chọn cho từng tỉnh, thành phố. Ông lí giải như thế nào về băn khoăn này?

Trước hết phải khẳng định sách giáo khoa là tài liệu cụ thể hóa Chương trình giáo dục phổ thông. Tất cả sách giáo khoa phải căn cứ vào chương trình để biên soạn. Chương trình mới là thống nhất, là pháp lệnh và việc tổ chức dạy học được thực hiện theo chương trình; kiểm tra, đánh giá theo yêu cầu cần đạt của chương trình, không phụ thuộc vào những ngữ liệu cụ thể ở các sách giáo khoa.

Về việc lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông, Quốc hội đã thảo luận và thống nhất quy định tại điểm c khoản 1 Điều 32 (Sách giáo khoa giao dục phổ thông) Luật Giáo dục 2019: "Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo".

Thực hiện quy định tại Luật Giáo dục, Bộ GD&ĐT đang xây dựng Thông tư để hướng dẫn thực hiện theo đúng quy định của Luật. Thông tư này không quy định mỗi một tỉnh, thành phố chỉ chọn một bộ sách giáo khoa rồi sử dụng trong toàn tỉnh mà hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa theo từng môn học, hoạt động giáo dục ở các cấp học. Căn cứ vào điều kiện của địa phương, UBND tỉnh xây dựng các tiêu chí để lựa chọn được sách giáo khoa phù hợp với nhu cầu và điều kiện tổ chức dạy học tại địa phương mình.

Điều đó có nghĩa là, mỗi địa phương tùy theo điều kiện của từng vùng có thể chọn sách giáo khoa cho mỗi môn học, hoạt động giáo dục ở các bộ sách giáo khoa khác nhau. Tất cả sách giáo khoa đều đã được thẩm định và được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt, như vậy, về nguyên tắc tất cả các sách giáo khoa đều được phép sử dụng trong nhà trường, vấn đề lựa chọn chỉ là sự phù hợp mà thôi.

Thẩm định, lựa chọn SGK công khai, minh bạch, vì quyền lợi học sinh

- Vai trò của giáo viên, nhà trường sẽ được thể hiện như thế nào trong việc lựa chọn sách giáo khoa, thưa ông?

Trong Thông tư hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa, Bộ GD&ĐT quy định cụ thể thành phần của Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa để căn cứ vào đó, UBND tỉnh, thành phố thực hiện. Thành phần sẽ bao gồm các nhà quản lý giáo dục, nhà khoa học, đặc biệt chiếm tỷ lệ đa số sẽ là các thầy, cô giáo trực tiếp giảng dạy môn học đó ở cấp học.

Như vậy, Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa được thành lập theo từng môn học, hoạt động giáo dục ở các cấp học và những thầy cô giáo trực tiếp giảng dạy ở cấp học, môn học ấy - cũng là những người am hiểu nhất về hoạt động dạy học của mình - sẽ biết phải cần sách giáo khoa như thế nào cho phù hợp để tổ chức hoạt động dạy học ở trường, phù hợp với phương pháp dạy và học của thầy và trò, nhằm đảm bảo mục tiêu của chương trình là phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

Các thầy, cô giáo trực tiếp giảng dạy ở cấp học chiếm tỷ lệ đa số trong Hội đồng sẽ đảm bảo rằng, ý kiến của giáo viên mang tính quyết định cao nhất trong việc lựa chọn sách giáo khoa.

Tôi muốn nói thêm, bản thân mỗi thầy cô giáo đều sống trong một cộng đồng giáo viên, từ tổ bộ môn của trường, tới toàn trường, cụm trường… vì thế khi nghiên cứu, tìm hiểu và có ý kiến đánh giá trong Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa họ sẽ có sự tham khảo từ cộng đồng giáo viên và việc đưa ra ý kiến trong Hội đồng không chỉ là của riêng giáo viên đó mà là tiếng nói đại diện cho nhiều giáo viên trực tiếp giảng dạy.

Ngoài ra, giáo viên cũng phải tham khảo ý kiến của cộng động phụ huynh để có căn cứ cho việc thẩm định, lựa chọn một cách công khai, minh bạch, vì quyền lợi của học sinh. Điều này rất quan trọng.

Hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa sẽ không cứng nhắc

- Đây là lần đầu tiên chúng ta thực hiện việc giao cho địa phương lựa chọn sách giáo khoa. Dù có cả một Hội đồng để làm việc này nhưng vẫn có thể sẽ có tình huống lựa chọn chưa phù hợp. Vậy, có sự linh hoạt nào không trong quy định của Bộ để địa phương có thể được chọn lựa lại?

Sách giáo khoa khi đưa vào nhà trường cần phải có thời gian để các thầy cô giáo, các em học sinh làm quen và trải nghiệm. Qua việc tổ chức dạy học, các thầy cô sẽ đánh giá được hiệu quả của sách và so sánh giữa những cuốn sách với nhau. Như tôi đã nói, sách nào cũng đã được thẩm định và phê duyệt nên đều đã là sách tốt, vấn đề là sự phù hợp.

Trong quá trình được sử dụng, thử nghiệm và tổ chức dạy học, giáo viên sẽ hiểu rõ cuốn sách nào là phù hợp. Chính vì điều này mà hướng dẫn của Bộ về lựa chọn sách giáo khoa sẽ không cứng nhắc - giống như chương trình cũng không cứng nhắc mà có sự phát triển, bổ sung, cập nhật những thông tin mới trong quá trình thực hiện.

Quy định của Bộ là danh mục sách giáo khoa được lựa chọn có thể được điều chỉnh. Trong quá trình thực hiện, từ ý kiến của giáo viên trong các nhà trường, UBND các tỉnh/thành phố có thể thành lập Hội đồng để xem xét, cập nhật, bổ sung. Việc tổ chức điều chỉnh danh mục sách giáo khoa sử dụng trong cơ sở giáo dục được thực hiện đúng theo quy trình lựa chọn.

Như vậy, các thầy cô giáo sẽ có cơ hội thể hiện ý kiến trong suốt quá trình triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Chúng ta không nên suy nghĩ, ý kiến của giáo viên về lựa chọn sách giáo khoa chỉ được thể hiện trong một thời điểm.

Theo Báo Giáo dục và Thời đại

 


Tổng số điểm của bài viết là: 14 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết