Tại sao cái bút chì luôn có cục tẩy đi kèm?

Tại sao cái bút chì luôn có cục tẩy đi kèm?

GD&TĐ - Có lẽ trong mỗi chúng ta đều không ít lần băn khoăn: tại sao cái bút chì lại phải có cục tẩy đi kèm? Bởi khi mới tập viết, tập vẽ những nét đầu tiên bao giờ cũng có những chữ viết sai, những nét vẽ xấu nên cần có cục tẩy để xóa bỏ những điều chưa ưng ý đó. Để rồi dần dần mới có những nét chữ đẹp, có những bức họa vừa lòng. Điều đó có nghĩa: không ai sinh ra đã hoàn hảo, đã trọn vẹn và thực sự là không có sự hoàn hảo, tròn trịa.

          Khi đã quyết định làm người chở đò sang sông, giáo viên thường mang trong mình nhiều khát vọng. Bởi thế họ cũng đặt ra cho mình những yêu cầu rất cao về cả chuyên môn, nghiệp vụ và tư cách đạo đức. Cũng vì lẽ đó mà họ cũng mong muốn những người xung quanh mình, nhất là học sinh cũng phải như thế. Chính điều này gây ra những áp lực không cần thiết. Vậy, giáo viên có nên sống theo “chủ nghĩa hoàn hảo” hay không?

          Nhưng thực tế cho thấy có rất nhiều giáo viên đang áp đặt chủ nghĩa hoàn hảo lên học sinh. Tôi muốn bắt đầu bằng chính câu chuyện của cô bạn tôi. Cô ấy là một giáo viên có năng lực, nhiệt huyết và có trách nhiệm cao trong công việc. Bạn tôi được giao chủ nhiệm một lớp đươc coi là có chất lượng tốt của trường. Thế là ngay từ đầu năm học, bạn ấy đã đặt ra một chỉ tiêu rất cao cho lớp từ chất lượng học tập đến việc tham gia tất cả các hoạt động khác.

          Tất nhiên, chỉ tiêu cao thì đi kèm với đó phải là vô số những biện pháp để đạt được điều đó. Bất cứ hoạt động nào, bạn ấy cũng muốn lớp mình phải đạt thành tích cao nên vô tình đã tạo một áp lực rất lớn lên học trò. Lớp đó học tốt, ý thức tốt nhưng không phải 100% học sinh đều được như thế nhưng bạn lại đặt chỉ tiêu là tỉ lệ khá giỏi là cả lớp.

          Những hoạt động văn nghệ, thể thao còn nặng nề hơn nữa. Lớp đó vẽ không giỏi, hát không hay, khả năng múa có hạn nhưng vì cô giáo chủ nhiệm nên các bạn ấy phải gồng mình rất nhiều lần. Khổ nỗi, những hoạt động đó thuộc về năng khiếu, không phải cứ cố là được.

          Những hoạt động đó thường mang lại niềm vui thì với lớp đó lại là nỗi ám ảnh. Kết quả là không có những thành tích tốt và bạn tôi tỏ ra thất vọng, chán nản và đem những nỗi niềm đó “trút” lên đầu học sinh. Hậu quả là không khí lớp thường rất căng thẳng, nhiều học sinh trong lớp sau một thời gian như thế không chịu được áp lực đã nói chuyện với bố mẹ và viết đơn xin chuyển lớp. Nhận được tờ đơn của học trò với lí do không chịu được áp lực, bạn tôi giật mình và lúc đó mới có những sự điều chỉnh.

          Thực sự, câu chuyện của bạn nhưng khiến tôi suy nghĩ rất nhiều. Bạn tôi có thương, có trách nhiệm, có muốn điều tốt với học trò không? Câu trả lời là có. Vậy vì sao học trò lớp cô bạn tôi chủ nhiệm luôn cảm thấy mệt mỏi, thiếu niềm vui với chính cô giáo chủ nhiệm của mình? Vì bạn tôi quá cầu toàn, thế nên đã áp đặt góc nhìn đó với học trò. Bạn tôi muốn trò nhất nhất phải nghe theo mình, làm theo mọi thứ mình đặt ra. Và vô hình chung đã tạo ra không khí nặng nề cho cả lớp, đó là chưa tính đến chuyện một số học sinh còn nảy sinh tâm lý chống đối.

          Vậy, làm thế nào để mỗi giáo viên không rơi vào tình trạng như cô bạn mà tôi vừa kể? Có lẽ chúng ta cần giảm bớt sự cầu toàn. Bởi khi ta cầu toàn, thì chắc chắn ta sẽ cảm thấy vô cùng mệt mỏi. Khi cầu toàn, ta sẽ chỉ nhìn về những hạn chế, sự thiếu sót của mỗi người, chỉ thấy lỗi lầm, oán trách và chắc chắn ta sẽ luôn cảm thấy buồn phiền, mệt mỏi. Mỗi ngày đến lớp, ứng xử với học trò bằng tâm thế đó thì chắc chắn nụ cười, niềm vui càng ngày càng vơi!

 Thế hệ tương lai

Khi giáo viên thấu hiểu học trò, tôn trọng học trò thì chắc chắn sẽ dễ dàng chấp nhận những tính cách, những cách ứng xử chưa trọn vẹn của tuổi mới lớn. Biết đâu, chính sự chấp nhận, sự bao dung, độ lượng, thái độ biết lắng nghe của người giáo viên sẽ làm cho học trò thay đổi. Và tôi nghĩ, ở những tập thể đó, học sinh sẽ dễ dàng chia sẻ cùng giáo viên nhất. Tôi đang dạy ở một lớp chất lượng học chỉ ở mức trung bình khá, nhưng lớp đó lại có khả năng hát hay, nhảy đẹp, vẽ tranh ấn tượng.

          Giáo viên chủ nhiệm lớp đó đã rất hiểu học sinh nên đặt ra yêu cầu không quá cao; hơn nữa cán bộ Đoàn trường, các giáo viên bộ môn cũng biết cách khích lệ và tạo cơ hội cho lớp thể hiện năng lực ở những thời điểm phù hợp. Thế nên, tôi thấy các em học sinh trong lớp rất tự tin, đặc biệt là mỗi tiết dạy ở lớp luôn cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái, học sinh tích cực tương tác. Và tôi nghĩ, giáo viên chủ nhiệm và giáo viên dạy ở lớp đó đã phần nào thành công khi giúp học trò phát triển được một số năng lực, giúp các em có thể tự tin trước các bạn học giỏi hơn ở những lớp khác.

          Thực tế, không hề có thước đo cho sự hoàn hảo và mỗi cá nhân có những điểm mạnh, yếu khác nhau. Bên cạnh đó, học sinh ở lứa tuổi mới lớn nhiều khi mắc lỗi. Vì vậy, nên chăng chúng ta chấp nhận những thiếu sót đó như một điều hiển nhiên của cuộc sống. Chấp nhận để cùng học trò trưởng thành. Như thế, chúng ta sẽ tìm được sự bình yên trong tâm hồn, tìm được niềm vui trong nghề nghiệp!

Theo Báo GD&TĐ